Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Trực tuyến:16
Hôm qua:1335
Tổng lượt: 4082452
Tin tức & Sự kiện
Lên đời 'kinh tế vỉa hè'
(05/09/2017)Sau 5 ngày khai trương, phố hàng rong - một tên gọi dân dã của người dân đối với khu vực kinh doanh theo thời gian trên đường Nguyễn Văn Chiêm, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM - đã dần đi vào nề nếp.
Khu phố hàng rong với 20 hộ kinh doanh ở phường Bến Nghé tập trung về, mở cửa từ 6 - 9h và 11 - 13h mỗi ngày. Không chỉ được bố trí chỗ bán, những hộ này còn được tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm, kỹ năng bán hàng, được trang bị bảng tên, mặc đồng phục và tham gia khám sức khỏe định kỳ
Mở hàng loạt "phố hàng rong"
Quận 1 là địa phương đầu tiên có kế hoạch thực hiện đề án quy hoạch khu vực kinh doanh ăn uống theo thời gian quy định ở một số tuyến đường. Đề án nhằm tổ chức, sắp xếp cho người dân có hoàn cảnh khó khăn đang kinh doanh lấn chiếm vỉa hè vào khu vực thí điểm để quản lý, hỗ trợ.
Ngoài phố ẩm thực trên đường Nguyễn Văn Chiêm, quận 1 sắp đưa vào hoạt động phố hàng rong tại Công viên Bách Tùng Diệp vào tháng 9. Trước đó, phố đi bộ Bùi Viện cũng đã được khai trương ngày 20/8 mang đến sinh khí mới cho phố Tây. Theo ghi nhận của quận 1, doanh số các hộ kinh doanh ở khu vực này trong thời gian thử nghiệm tăng lên đáng kể, có hộ tăng đến 50% so với trước đây.
Ngoài quận 1, quận Tân Bình là địa phương xây dựng phố hàng rong khá hiệu quả. Trao đổi vấn đề này, ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, nhìn nhận phố hàng rong ở chợ Phạm Văn Hai đã giải quyết được sinh kế cho hàng chục hộ dân của phường 2, phường 3.
"Quận đang nghiên cứu khảo sát hình thành 2 phố hàng rong ở chợ Tân Bình và chợ Bàu Cát" - ông Bình kỳ vọng. Trong khi đó, quận Bình Tân với khu chợ Tám Đoàn và quận Tân Phú với chợ Năm Hấp đã giải quyết công ăn việc làm cho gần 100 gánh hàng rong.
Theo ông Nguyễn Quốc Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú, nếu chỉ mạnh tay xử phạt người lấn chiếm vỉa hè mà không kết hợp giải pháp cho người bán hàng rong dễ dẫn đến việc tái chiếm. Vì vậy, quận Tân Phú đang nhanh chóng kiểm tra, rà soát các khu đất để hình thành các chợ tạm cho gánh hàng rong. Đó là giải pháp tốt nhất và bền vững trong công tác chấn chỉnh trật tự vỉa hè.
Phố hàng rong trên đường Nguyễn Văn Chiêm, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM đông đúc khách . |
Quận 6 cũng hứa hẹn trước Tết nguyên đán năm nay ra mắt phố hàng rong với quy mô từ 60-100 gian hàng. UBND quận 6 sẽ tận dụng diện tích đất rộng 840 m2 trước chợ Phú Lâm để làm địa điểm cho người bán hàng rong kinh doanh. Để bảo đảm tính linh hoạt, ban ngày nơi đây sẽ làm bãi giữ xe máy. Từ 17h đến 0h sẽ tận dụng làm mặt bằng kinh doanh cho những người nghèo.
Còn tại quận 9, ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND quận, cho biết đã sắp xếp lại 4 khu chợ tự phát và bố trí hợp lý cho hàng rong kinh doanh. Quận cũng có kế hoạch tận dụng khu đất thuộc dự án treo Vành đai 2 để làm chợ cho dân hàng rong, nằm gần giao lộ Nam Cao - Cầu Xây.
Ổn định nhưng phải thuận lợi hơn
Tại phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm, đúng 11h mỗi ngày, các xe đẩy được kéo từ một kho gần đó ra và sắp xếp theo thứ tự từng ô đã được đăng ký. Sau đó, người bán bày đồ ăn, thức uống ra tủ kính và bắt đầu đón khách. Lượng khách đổ về đông dần sau 11h30 và đến khoảng 13h thì vắng dần.
Bà Nguyễn Thị Tám, ngụ chung cư Lam Sơn, trước đây bán nước giải khát ở gần Nhà Văn hóa Thanh Niên, nhà thuộc diện hộ nghèo, hàng nước của bà nuôi 5 miệng ăn nên được quận 1 bố trí một gian hàng để buôn bán.
Bà Tám cho biết cái được của các tiểu thương buôn bán ở đây là không phải nhìn trước ngó sau, nơm nớp lo sợ bị thu giữ đồ đạc nhưng không được thuận lợi như trước. "Ngày trước bán nguyên ngày, có bữa được 600.000 đồng cả vốn lẫn lời, giờ chuyển qua đây bán 3 giờ được hơn 200.000 đồng. Nếu được bán lâu hơn chắc thu nhập sẽ khá hơn" - bà Tám so sánh.
Ở gian hàng cơm đồng giá 25.000 đồng, ông Nguyễn Văn Thanh (trước bán cơm trên vỉa hè đường Nguyễn Trung Ngạn) rao lớn để khách đi qua ghé gian hàng của mình. Ông Thanh cho biết may mà có chỗ cho khách ngồi phía sau ăn uống nên khách ghé chứ nếu bán đồ mang đi thì sẽ ế ẩm. "Nếu chính quyền cho để thêm một hàng ghế trước gian hàng hoặc ở vỉa hè sát mép đường để khách có chỗ ngồi thoải mái thì sẽ đỡ hơn" - ông Thanh đề xuất.
Các hộ kinh doanh ở phố hàng rong mới mở này chưa được thuận lợi về doanh thu, địa điểm trong thời gian đầu tái bố trí là điều dễ hiểu, bởi họ đã tách ra khỏi địa bàn quen thuộc với những khách hàng quen thuộc. Theo các chuyên gia kinh tế, cần tính đến tính hiệu quả của việc quy hoạch này để tránh tình trạng làm theo phong trào, không phù hợp với thực tế. Không ít phố mua sắm, chợ đêm, phố ẩm thực… trên địa bàn TP HCM đã mở và đã âm thầm giải tán do vắng khách.
"Người dân, du khách cần những điểm mua sắm, ăn uống thuận tiện, rải rác trên đường di chuyển hơn là đến những khu vực ăn uống, mua sắm được bố trí tập trung nhưng không có gì đặc sắc" - một chuyên gia kinh tế cho biết.
- » nguyễn phương hằng
- » Ông Đặng Lê Nguyên Vũ trả nốt 127 tỷ cho vợ cũ, chính thức sở hữu Trung Nguyên
- » Doanh nghiệp công nghệ lo mất tên
- » Người dân trải nghiệm cầu vượt biển dài nhất Việt Nam
- » Trung tâm Sài Gòn, Hà Nội ùn ứ ngày đầu đi làm sau kỳ nghỉ lễ 2/9
- » Những tập đoàn có ảnh hưởng lớn nhất Nhật Bản
- » Thầy trò chèo bè qua sông đi khai giảng